Phát động thi đua cao điểm cải cách hành chính
Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính năm 2020, tập trung thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, với nhiệm vụ trọng tâm là “Nâng cao văn hóa công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.
Mục tiêu đợt thi đua này là phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành các mục tiêu của Chương trình cải cách hành chính, xây dựng hình ảnh chính quyền thành phố phục vụ, thân thiện, nhanh chóng, hiện đại.
Đối tượng tham gia là các sở ban ngành, UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn; các cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn TP; các cá nhân, tập thể thuộc các đơn vị báo, đài trên địa bàn TP; người dân, doanh nhân, doanh nghiệp.
Đợt thi đua kéo dài đến hết tháng 11/2020. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng sẽ đăng ký các mô hình sáng kiến, giải pháp, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính; đặc biệt là các giải pháp về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước cho phù hợp đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Từ ngày 18/5, sinh viên ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đi học trở lại
Thông tin trên báo Người Lao Động, tối 27/4, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh ra thông báo về kế hoạch đi học trở lại của gần 70.000 sinh viên.
Theo đó, từ ngày 4/5, ký túc xá (KTX) triển khai công tác chuẩn bị đón sinh viên trở lại. Đối tượng đi học lại bao gồm nghiên cứu sinh, học viên sau đại học, sinh viên năm thứ tư; sinh viên thuộc các khối lớp thực hành, thực tập; sinh viên một số lớp ôn tập để thi cuối kỳ. Các đối tượng sinh viên còn lại tiếp tục học theo hình thức trực tuyến.
Từ ngày 18/5, toàn bộ các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cho sinh viên đi học lại bình thường. Các đơn vị chủ động trong việc thực hiện hình thức giảng dạy trực tuyến.
Trung tâm Quản lý Ký túc xá tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, các hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu để sẵn sàng đón sinh viên vào ở từ ngày 11/5, đồng thời xúc tiến bố trí nhà G (tại khu B) cho sinh viên có nhu cầu ở tạm từ ngày 4/5.
Việc tổ chức đi học lại cho sinh viên trong giai đoạn này cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn theo quy định của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Yêu cầu hỏa tốc về tiêm chủng an toàn mùa Covid-19
Cũng trên báo Người Lao Động, Sở Y tế TP đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng tư nhân về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp, tổ chức tiêm bù đầy đủ cho các đối tượng sau thời gian tạm ngưng, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và an toàn tiêm chủng; thông báo cho các đối tượng tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người, tổ chức phân luồng để đảm bảo không quá 20 người trong cùng một lần tiêm.
Ngoài ra, khu vực chờ trước tiêm chủng, khám sàng lọc và tư vấn, theo dõi sau tiêm chủng phải được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khử khuẩn. Bố trí xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ở khu vực rửa tay. Cán bộ y tế và người đến tiêm chủng phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên.
Sở Y tế khuyến cáo những người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi mắc Covid-19 thì không đến buổi tiêm chủng.
Thi tuyển thiết kế nhà hát hơn 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm
Báo Lao Động đưa tin, Ngày 27/4, UBND TP. Hồ Chí Minh đã duyệt nội dung tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Việc lập nhiệm vụ thiết kế làm cơ sở để triển khai công tác tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình.
UBND TP yêu cầu phương án thiết kế kiến trúc công trình này phải mang tính biểu tượng đặc trưng riêng của thành phố và hấp dẫn, thu hút khách du lịch tham quan khi đến TP. Đồng thời, nhà hát phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đạt đẳng cấp quốc tế; vừa chuyên sâu, vừa đa dụng; Khu quảng trường, công viên phía trước Nhà hát phải là không gian văn hóa, khai thác tối đa mặt tiền bờ sông Sài Gòn.
Dự án nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch sẽ được xây dựng tại khu chức năng số 1 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích khoảng 20.354 m2, dự kiến có 10 tầng, trong đó có khu biểu diễn gồm khán phòng 1.200 chỗ và khán phòng 500 chỗ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua ứng dụng thực tế ảo
Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết đang chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch TP đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước thông qua hình thức mới là truyền thông trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Nội đung được đăng tải trên Báo Tin Tức.
Theo đó, Sở Du lịch TP đang nghiên cứu, thực hiện số hóa các điểm đến trên địa bàn như các bảo tàng, Bưu điện trung tâm Thành phố, Hội trường Thống Nhất… bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch và tăng trải nghiệm du lịch mới cho du khách khi đến thành phố. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Sở cũng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tiếp tục khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá online.
Hiện Sở Du lịch TP cũng đã nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục lại ngành du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt; nghiên cứu các thị trường ít chịu ảnh hưởng của Covid-19 và tiềm năng để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến sau dịch.
Sắp tới, Sở sẽ tham mưu UBND TP các giải pháp về xây dựng đề án du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch sau khi dịch bệnh kết thúc.
Thu hút nhân tài đến sống, làm việc tại khu đô thị sáng tạo phía Đông
Báo Tuổi Trẻ cho biết, UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức gồm gồm 22 thành viên, do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.
Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này... Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp giữa 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức).
Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng nghiên cứu kinh nghiệm ở các TP lớn của nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu đô thị, hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính khu vực này.
UBND TP cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cần xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung (bao gồm hệ thống dữ liệu về đất đai, giao thông, kênh rạch, công trình) trên địa bàn 3 quận nói trên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý các nguồn lực.
Có nên nới “room” cho người nước ngoài mua nhà?
Đó là nội dung được phản ánh trên báo Thanh Niên. Theo đó, Chủ đầu tư một dự án bất động sản (BĐS) cao cấp, tại khu vực Thủ Thiêm, quận 2, cho biết hiện nay nhu cầu về nhà ở cao cấp của người nước ngoài tại Việt Nam rất lớn vì giá BĐS tại Việt Nam rẻ hơn một số nước trong khu vực.
Đơn cử, giá căn hộ tại khu trung tâm TP đang giữ mức trung bình 5.500 - 6.500 USD/m2 (hơn 130 - 155 triệu đồng), thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) trong khi tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Chính vì vậy, các dự án tại TP đã thu hút được rất lớn các khách hàng nước ngoài mua để ở và đầu tư. Nhưng cũng có không ít khách nước ngoài đã không mua được căn hộ do hết tỷ lệ được mua. Nhiều người trong số này đã đồng ý phương án thuê nhà trong thời gian 50 năm, hết 50 năm tiếp tục gia hạn thuê với chủ đầu tư.
Trước thực tế đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa có kiến nghị Chính phủ nới room (tỷ lệ được mua nhà) tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự, liền kề thì chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà trong một khu dân cư tương đương cấp phường.
Bên cạnh đó, người nước ngoài cũng không được sở hữu nhà quá 50 năm trong các thỏa thuận giao dịch mua bán, cho thuê, thừa kế. Chỉ trong trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam mới được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài. Điều này đã hạn chế một phần nguồn lực đổ vào BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp.