Ngày 19-11, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp chuẩn bị cho báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thành phố năm 2023.
Điểm sáng phục hồi kinh tế
Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM, cho biết dù có nhiều khó khăn, thách thức, thành phố vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tính theo số liệu thống kê đến tháng 8-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 9,44% so với cùng kỳ (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 6%-6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tổng doanh thu du lịch… đều đạt mức khá. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhìn nhận điểm sáng lớn nhất về kinh tế - xã hội TP HCM trong năm 2022 là sự phục hồi kinh tế khá toàn diện ở các mặt, từ công nghiệp, thương mại đến dịch vụ, du lịch… Trong đó, điểm sáng rất rõ là chương trình phục hồi kinh tế đạt hơn 9%. Tuy nhiên, điểm nghẽn hấp thụ vốn vẫn là chủ yếu, trên tất cả các mặt. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường không được tốt, đang là vấn đề cần quan tâm.
Trong bối cảnh như vậy, ông Trần Du Lịch cho rằng TP HCM có gặp khó nhưng vẫn có dư địa phát triển. "Hiện nay, thị trường bất động sản có chững lại đối với các "ông lớn", các dự án phục vụ giới đầu cơ nhưng dự án bất động sản nhà ở không bị chững. Vấn đề là chúng ta có gỡ vướng để đưa sản phẩm ra thị trường được hay không" - ông Trần Du Lịch dẫn chứng và khẳng định vẫn còn nhiều cơ hội.
Tập trung, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Theo Sở KH-ĐT, về vốn đầu tư công, đến ngày 15-11, TP HCM mới giải ngân được 31%. Sở này cho hay bên cạnh các khoản chưa giải ngân được do vướng cơ chế, chính sách, còn có khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Sở KH-ĐT đang tích cực phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị chủ đầu tư xây dựng, triển khai các giải pháp tháo gỡ cụ thể cho từng nhóm vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Năm 2023, dự kiến Bộ KH-ĐT giao kế hoạch đầu tư công cho TP HCM khoảng 55.000 tỉ đồng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Sở KH-ĐT TP HCM là đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn các dự án bố trí nhiều vốn nhưng không giải ngân hết, không có khả năng tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, rà soát và bổ sung vào trung hạn những dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, bảo đảm tính khả thi và có thể giải ngân vốn ngay trong năm 2023 như: đoạn 1, đoạn 2 đường Vành đai 2; cải tạo rạch Xuyên Tâm; xây dựng đường cao tốc Mộc Bài - TP HCM. Tập trung giải ngân nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn ngân sách trung ương như: đường Vành đai 3 TP HCM; tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương); xây dựng nút giao thông An Phú; xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)…
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo từng sở, quận - huyện… phải rà lại nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn từ đây đến cuối năm 2022 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia:
Tháo gỡ các điểm nghẽn đặc thù
Về mục tiêu xây dựng chính sách năm 2023, đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi tăng trưởng, ổn định việc làm, bảo đảm an ninh xã hội, ngăn chặn nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Tập trung gỡ điểm nghẽn đặc thù, các nguồn vốn đầu tư thông qua nâng cao trách nhiệm của bộ máy hành chính công vụ các cấp. Đẩy nhanh các công trình trọng điểm quốc gia, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức gắn với phát triển khoa học - công nghệ.
Ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP HCM:
Cần nhanh chóng, quyết liệt
Vừa rồi, Hiệp hội DN TP HCM có làm việc với một số hội như Dệt may Thêu đan, Logistics, Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ, Xây dựng… Qua đó ghi nhận thực tế nhiều DN lỗ nặng, phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, chi phí vốn tăng cao… Trước tình hình này, DN rất cần kênh hỗ trợ vốn để tạo dòng tiền, kích thích tăng trưởng một số ngành.
Vì vậy, kiến nghị ngành ngân hàng nới room tín dụng, có chính sách cho DN xuất khẩu, duy trì và quyết liệt triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN.
Ngành thuế cần nhanh chóng hoàn thuế cho DN. Đặc biệt, đối với ngành gỗ và chế biến gỗ thời gian qua nhu cầu về vốn cho sản xuất rất nhiều nhưng quy trình hoàn thuế GTGT phức tạp, kéo dài gây khó khăn cho DN.
Vốn đầu tư công cần giải ngân một cách nhanh chóng, hiệu quả để hỗ trợ công nghiệp xây dựng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM:
Tập trung các chương trình ưu đãi để hỗ trợ DN
Áp lực lạm phát, lãi suất và tỉ giá, chi phí đầu vào tăng là những yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến DN. Ở góc độ triển khai chính sách, ngành ngân hàng tham vấn TP HCM tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình ưu đãi của Chính phủ, ngân hàng trung ương và UBND thành phố, đặc biệt là 2 chương trình cho vay ngắn hạn tiền đồng với lãi suất trần không quá 5,5% (đang áp dụng đối với 5 nhóm hàng là xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao, DN nhỏ và vừa) và các chương trình kích cầu đầu tư, cho vay bình ổn thị trường, cho vay DN KCX-KCX, DN nông nghiệp nông thôn… Quan trọng không kém là đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN.
"Không say sưa với kết quả 9 tháng năm 2022"
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở - ngành, TP Thủ Đức và các quận - huyện chuẩn bị tổng kết năm, xây dựng kế hoạch năm 2023 với tinh thần đánh giá sát tình hình để xác định được trọng tâm và đưa ra giải pháp. "Chúng ta không say sưa với những kết quả 9 tháng năm 2022. Cái đó đã được ghi nhận, bây giờ phải nhìn thấy những cái phát sinh trước mắt, đánh giá cho đúng để có giải pháp chứ không bị động" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời, việc gì vượt quá thẩm quyền thì báo ngay cho Thường trực UBND thành phố xử lý để tránh bị động.
Theo ông Phan Văn Mãi, vấn đề vướng mắc hiện tại là trách nhiệm của các sở - ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây cũng sẽ là chủ đề hành động của năm 2023. "Trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, mỗi công chức phải tập trung tháo gỡ, thúc đẩy công việc. Nếu làm tốt thì chúng ta mới tạo ra được động lực đóng góp cho tăng trưởng. Vì vậy, đề nghị hết sức quan tâm" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.