Với hơn 280.000 công nhân và gần 3.000 chuyên gia nước ngoài đang lao động làm việc tại 1.500 doanh nghiệp ở 17 khu chế xuất, khu Công nghiệp và khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thì nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh là rất lớn.
Trước tình hình này, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp cùng tổ chức Công đoàn thành phố đã xây dựng và phương án phối hợp xử lý tình huống khi phát hiện người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu nhiễm hoặc nghi mắc COVID-19 và các chế độ chính sách đối với người lao động.
Thông tin trên được ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố cho biết vào chiều 17/5.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở cấp Ban Quản lý thì tại từng doanh nghiệp, Công đoàn chủ động phối hợp với Ban giám đốc công ty thành lập Ban chỉ đạo hoặc tổ công tác phòng, chống dịch ở doanh nghiệp.
Trong đó, yêu cầu Ban chỉ đạo hoặc tổ công tác triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp; thực hiện sáng tạo, hiệu quả theo 5 nguyên tắc gồm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và phương châm 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Các doanh nghiệp cũng thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh liên quan đến dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công nhân; thực hiện tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, khu lưu trú công nhân lao động; yêu cầu người lao động cài đặt phần mềm NCovi/Bluezone của Bộ Y tế.
Trong phương án phối hợp xử lý cũng yêu cầu doanh nghiệp, hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người; tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong bữa ăn giữa ca, trên các chuyến xe đưa rước công nhân; chủ động báo cáo, cung cấp kịp thời công nhân lao động bị nhiễm bệnh, các trường họp tiếp xúc với F0...
Ông Hứa Quốc Hưng cũng lưu ý trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp cần có sơ đồ trong từng khu vực nhà xưởng, kiểm tra các lối thoát hiểm để phân luồng và nắm chắc danh sách người lao động tại nơi cư trú để thuận tiên cho công tác điều tra dịch tễ...
Đặc biệt, doanh nghiệp phải cụ thể hóa phương án xử lý khi có trường hợp viêm hô hấp cấp tính trong giờ làm việc tại doanh nghiệp theo quy trình 6 bước; phương án xử lý khi có trường hợp xét nghiệp dương tính với SARS-CoV-2 đang làm việc tại doanh nghiệp theo quy trình 9 bước; phương án khi có trường hợp chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không hiện diện tại doanh nghiệp theo quy trình 8 bước, ông Hứa Quốc Hưng nhấn mạnh.
Nhận định trong tình hình dịch bệnh, sẽ phát sinh nhiều vấn đề đến quan hệ lao động, Ban Quản lý các khu, tổ chức Công đoàn cùng doanh nghiệp thống nhất việc giải quyết chế độ chính sách cho công nhân đi cách ly hoặc giải quyết thôi việc khi doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh...
Cụ thể, với các trường hợp cách ly theo yêu cầu của ngành y tế, doanh nghiệp thỏa thuận với công nhân việc chi trả chế độ chính sách đảm bảo không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc khuyến khích doanh nghiệp chi trả cao hơn; các doanh nghiệp không tùy tiện cách ly khi chưa có kết luận ngành y tế nhằm đảm bảo tình hình lao động ổn định.
Trong hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải cho nhiều người lao động thôi việc thì doanh nghiệp cần báo cáo với tổ chức Công đoàn, Phòng Quản lý Lao động-Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố để được tư vấn, hỗ trợ; tổ chức gặp gỡ, lắng nghe đối thoại ý kiến của công nhân; xây dựng phương án giảm lao động, hỗ trợ phù hợp; giải quyết chế độ chính sách đảm bảo theo qui định trên phương châm hai bên cùng chia sẻ.
Ban Quản lý các khu và tổ chức Công đoàn thành phố cũng khuyến khích chủ doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ có lợi hơn cho người lao động bị thôi việc; khuyến nghị doanh nghiệp ưu tiên đảm bảo việc làm đối với người lao động yếu thế, lao động lớn tuổi, nữ mang thai, nuôi con nhỏ hoặc lao động đang gặp khó khăn... tổ chức Công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ công nhân tìm việc làm mới.
Đồng thời doanh nghiệp có giải pháp giải quyết kịp thời bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động; không để tích tụ dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công; hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức tài chính vi mô CEP... để chuyển đổi công việc, tự tạo việc làm./.
Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)