TPHCM: Vinh danh 14 nhà giáo ưu tú và 50 cán bộ quản lý, giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản

14:13 18/11/2024

Sáng 18-11, tại Hội trường Thành phố, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2024), vinh danh Nhà giáo ưu tú và trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu trao bằng khen cho nhà giáo ưu tú năm 2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu trao bằng khen cho nhà giáo ưu tú năm 2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Về phía Báo SGGP, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Nguyễn Khắc Văn tham dự buổi lễ.

Tấm lòng người thầy

Cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, giáo viên Trường Mầm non 4 (quận 3) cho biết, việc giảng dạy ở trường mầm non không chỉ gói gọn trong sách vở mà còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, sáng tạo. Bên cạnh niềm vui, công việc cũng đi kèm không ít khó khăn, áp lực.

Tuy nhiên, khi những kết quả tích cực trong việc giảng dạy và chăm sóc trẻ được phụ huynh, đồng nghiệp và xã hội công nhận; giáo viên cảm thấy được khích lệ và động viên.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu và Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn tại lễ vinh danh nhà giáo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu và Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn tại lễ vinh danh nhà giáo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Giáo viên mầm non rất mong nhận được sự chia sẻ, trao đổi thông tin của phụ huynh để chúng tôi được trải lòng và thấu hiểu, tất cả hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ”, cô Ngọc Trâm bày tỏ.

Toàn cảnh buổi lễ vinh danh nhà giáo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Toàn cảnh buổi lễ vinh danh nhà giáo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo thầy Đỗ Minh Phụng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11), bên cạnh việc học tập kiến thức văn hóa, việc rèn luyện, phát triển sức khỏe thể chất có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh vì giúp các em phát triển hài hòa trí lực và thể lực.

Từ đó, học sinh sẽ năng động, nhanh nhẹn hơn, học tập kiến thức và kỹ năng các môn văn hóa hiệu quả hơn. Do đó, thầy Minh Phụng luôn nỗ lực tạo hứng thú cho học sinh trong từng tiết dạy, giúp các em tìm thấy sự liên hệ giữa các môn văn hóa và giáo dục thể chất.

Thầy Đỗ Minh Phụng, giáo viên Giáo dục thể chất, Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11), chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thầy Đỗ Minh Phụng, giáo viên Giáo dục thể chất, Trường THCS Nguyễn Văn Phú (quận 11), chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Riêng với cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ, trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, giáo viên có nhiều thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các nguồn tư liệu hỗ trợ giảng dạy.

Tuy nhiên, dù công nghệ mang lại nhiều thuận lợi, nhưng bản chất của giáo dục, đặc biệt giáo dục trẻ khuyết tật cần sự kiên nhẫn, tình yêu thương và đồng cảm sâu sắc. Công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng không thể thay thế được sự chăm chút, ân cần và đồng cảm từ người thầy, người cô dành cho các em.

Tri ân những đóng góp thầm lặng

Phát biểu tại lễ vinh danh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm là ngày hội tôn vinh các thầy, cô giáo - những người đã và đang đóng góp bao công sức, tâm huyết vào sự nghiệp trồng người. Sự tôn vinh ấy còn thể hiện niềm tin của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội đối với các thầy, cô giáo.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại lễ vinh danh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại lễ vinh danh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đây cũng là dịp để người thầy nhận thức sâu hơn về nghề nghiệp của mình, không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả.

Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thành phố đã đạt nhiều mục tiêu lớn của giáo dục, trong đó có chuyển đổi từ giáo dục tri thức qua phẩm chất, năng lực người học; từng bước đưa tiếng Anh thành ngoại ngữ thứ hai trong nhà trường.

TPHCM: Vinh danh 14 nhà giáo ưu tú và 50 cán bộ quản lý, giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản - Ảnh 1

Những kết quả đáng khích lệ đó có được là nhờ sự lao động bền bỉ, đóng góp của mỗi cá nhân các thầy, cô giáo, các anh chị công chức, viên chức và nhân viên trong toàn ngành. Dù ở vị trí nào, trực tiếp hay gián tiếp làm công tác giáo dục, các thầy cô, anh chị đều có những đóng góp đáng quý cho sự phát triển chung của toàn ngành.

Dịp này, ngành giáo dục và đào tạo vinh danh 14 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và 50 cán bộ quản lý, giáo viên được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2024. Trong đó, 50 cán bộ quản lý, giáo viên được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM trao tặng Cờ thi đua thành phố cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024, có thành tích dẫn đầu trong khối các phòng giáo dục và đào tạo và đơn vị trực thuộc, góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.

Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM: Các thầy, cô đóng góp theo cách riêng của mình

Giải thưởng Võ Trường Toản do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo SGGP tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo tiêu biểu, qua đó tiếp thêm động lực để các thầy, cô giáo nuôi dưỡng đam mê với nghề.

Trong số hàng ngàn thầy, cô giáo đã và đang công tác tại TPHCM, mỗi người đều đóng góp theo cách riêng của mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Các thầy, cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh với nghề.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại lễ vinh danh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM phát biểu tại lễ vinh danh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhiều thầy, cô đã dành cả tuổi xuân, bền bỉ, kiên trì bên các em học sinh khiếm khuyết. Ngoài ra, còn có các anh, chị là nhân viên bảo vệ, y tế, hay các bộ phận gián tiếp khác trong các cơ sở giáo dục, các phòng giáo dục và đào tạo… đang ngày đêm cố gắng làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình vì sự nghiệp giáo dục chung, vì tương lai của thế hệ mai sau.

Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo dục. Trong đó, việc ghi nhận và biểu dương những đóng góp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục lại càng cần thiết, tạo động lực để thầy cô tiếp tục đóng góp vào việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước.

Thu Tâm/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục