UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải về giao cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM.
Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4 TP.HCM (dự án tổng thể đi qua 5 địa phương). Toàn tuyến sẽ được nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung.
Đồng thời, giao UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định. Hồ sơ dự án sẽ báo cáo, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp cuối năm 2024.
Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án; kịp thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Bên cạnh đó, tham mưu Thủ tướng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án và báo cáo Ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký chương trình làm việc của Quốc hội vào kỳ họp chuyên đề cuối năm 2024.
Vành đai 4 TP.HCM là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay. Việc triển khai sớm dự án không chỉ giúp giải quyết các điểm nghẽn về giao thông trước mắt mà còn tạo ra nhiều không gian phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng.
Vành đai 4 TP.HCM sẽ giải phóng mặt bằng một lần
Theo đề xuất, dự án vành đai 4 TP.HCM - giai đoạn 1 sẽ xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến. Tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên tuyến cũng được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư.
Các địa phương sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (8 làn) nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng đường trong tương lai.
Dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 136.000 tỉ đồng. Dự kiến nguồn vốn ngân sách trung ương tham gia dự án gần 42.554 tỉ đồng, còn vốn ngân sách địa phương khoảng 33.584 tỉ đồng.