Xây dựng đô thị thông minh để phát triển nhanh và bền vững hơn

12:47 16/07/2019

Sáng 16/7, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị sơ kết chương trình hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo các cơ quan, sở ngành của Thành phố.

Tập trung nghiên cứu và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, Chương trình hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019 - 2020 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh với Ủy ban nhân dân TP được ký kết từ ngày 20/11/2018. Triển khai chương trình này, hai bên đã phối hợp thực hiện một số công việc và đạt kết quả khả quan như: Sở đã phố hợp với Cục An toàn thông tin rà soát, xử lý mã độc hệ thống công nghệ thông tin tại 8 đơn vị, bóc gỡ mã độc ra khỏi 512 máy tính của người dùng; phối hợp xây dựng chiến lược số hóa của TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2025. Cùng với đó là phối hợp triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử tại TP theo đúng các hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc phát triển thành viên mới cho Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung đã có bước tiến rõ nét. Riêng lĩnh vực báo chí, xuất bản, hai bên đã phối hợp tổ chức được nhiều sự kiện quan trọng tại TP. Hồ Chí Minh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, bên cạnh một số kết quả nêu trên, còn một số công việc đã được triển khai nhưng chưa có kết quả rõ nét như: phối hợp triển khai thử nghiệm các giải pháp cho Đô thị thông minh; ứng dụng IoT (internet vạn vật); thử nghiệm các dịch vụ công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 (5G); còn một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực thông tin - truyền thông.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông và Truyền thông Thành phố cũng đã trình bày kế hoạch triển khai chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ AI vào cuộc sống cũng như quản lý hành chính được lãnh đạo TP đánh giá là yếu tố quan trọng để phát triển, xây dựng TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng trở thành đô thị thông minh. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được triển khai tập trung tại các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc tế,…) và các trường đại học khác. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phục vụ quản lý, điều khiển tự động hóa, vào các lĩnh vự như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục cũng đã được triển khai trong các dự án của các ngành nghê, lĩnh vực liên quan.

Để thực hiện tầm nhìn Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025”, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đề xuất một số giải pháp như: tập trung nguồn lực phát triển công nghệ AI nhằm bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai; đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm của Việt Nam và khu vực ASEAN về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao các ứng dụng AI. Cùng với đó là, cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để TP là trung tâm thu hút chuyên gia giỏi, trình độ cao trong khu vực Châu Á về nghiên cứu, làm việc, giảng dạy. Đặc biệt, trong triển khai đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tại TP và đến năm 2025, các ứng dụng AI sẽ được áp dụng trong tất cả các ngành xây dựng, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông.

Xây dựng đô thị thông minh với 5 cấu phần

Phát biểu tại hội nghị Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá những kết quả chương trình hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND TP. Hồ Chí Minh, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực hỗ trợ TP thời gian qua.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.Nguồn ảnh: Trang tin Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.Nguồn ảnh: Trang tin Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng đô thị thông minh nhằm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là về kinh tế; để người dân được cung cấp các dịch vụ trong xã hội tốt hơn; chính quyền phục vụ người dân hiệu quả hơn; người dân là một chủ thể tham gia quá trình quản lý. Việc xây dựng đô thị thông minh gồm 5 cấu phần, gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; hệ thống dự báo và mô phỏng phát triển của TP; trung tâm điều hành; hệ thống trung tâm an toàn thông tin mạng; chính quyền điện tử (chính quyền số).

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông giúp TP về xây dựng đô thị thông minh, trong đó có công tác dự báo TP trong công tác điều hành để không bị động trong tương lai. Cùng với đó, TP mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia hỗ trợ Thành phố phát triển Khu đô thị sáng tạo, vùng động lực phát triển cho Thành phố. Riêng đối với việc ứng dụng AI, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc ứng dụng AI sẽ giúp công tác quản trị thông minh, cùng với các thiết bị thông minh sẽ dự báo được những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Đồng chí Bí thư đề nghị Thành phố nên đặt hàng với Bộ Thông tin và Truyền thông và chọn doanh nghiệp để xây dựng chiến lược số hóa từ nay đến năm 2025. Thành phố phối hợp cùng Bộ và các doanh nghiệp để lên danh mục các lĩnh vực có thể ưu tiên ứng dụng sớm AI giúp tăng năng suất lao động; từ đó có thể đặt hàng triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ ủng hộ Thành phố trong việc ứng dụng công nghệ mới giúp TP phát triển nhanh, bền vững, giải quyết các bài toán đang đặt ra đối với TP, đặc biệt là việc chọn AI làm trọng tâm để phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.Nguồn ảnh: Trang tin Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.Nguồn ảnh: Trang tin Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, việc thực hiện hợp tác giữa Bộ Thông tin - Truyền thông và UBND TP trong 6 tháng cơ bản bám theo kế hoạch. Sắp tới hai bên sẽ ký hợp tác với nội dung mở rộng toàn diện. Chương trình hợp tác góp phần giúp TP đi đầu và đi trước cả nước ít nhất 5 năm về lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và báo chí - truyền thông trong cả nước; đưa TP. Hồ Chí Minh phát triển tương đương với thành phố của các nước đã phát triển.

Đồng chí nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng TP. Hồ Chí Minh phát triển doanh nghiệp lĩnh vực ICT, trong đó duy trì mức độ 50% của cả nước. Đối với các trung tâm nghiên cứu ICT, và các trường đại học có năng lực nghiên cứu, TP chiếm ít nhất 60% của cả nước. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, TP. Hồ Chí Minh cần đi đầu cả nước về hạ tầng ICT. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản số hóa dữ liệu xong cho Thành phố. TP. Hồ Chí Minh nên tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại Thành phố, đồng thời đi đầu trong phát triển an ninh mạng để góp phần cho quá trình chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn, TP. Hồ Chí Minh phát triển trở thành trung tâm logictics và đi đầu về phát triển viễn thông, trong đó về hạ tầng viễn thông cần đặt mục tiêu đến 2022 phủ sóng 5G toàn bộ TP. Thành phố cần phát triển trở thành trung tâm khu vực phía Nam về mọi phương diện ứng diện, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực.

Tin cùng chuyên mục