|
Đoàn công tác của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố thực hiện test hàn the mẫu thức ăn tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Kyung Rhim Vina. (Hình: Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố) |
Theo báo cáo, TP.Hồ Chí Minh hiện có 41.150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong đó có hơn 5.800 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; hơn 11.900 cơ sở kinh doanh thực phẩm; gần 23.400 cơ sở dịch vụ ăn uống (bao gồm bếp ăn tập thể và cơ sở thức ăn đường phố). Công tác tuyên truyền, vận động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong 9 tháng đầu năm được triển khai tích cực, như: tổ chức tháng hành động vì ATTP, các buổi nói chuyện, tập huấn, hội thảo, tuyên truyền qua báo chí.
Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra ATTP trên địa bàn cũng được chú trọng, có 359 đoàn kiểm tra được thành lập. Tính từ đầu năm đến nay, có 20.687/ 41.150 cơ sở được kiểm tra, trong đó có 14.830 cơ sở đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 71,69%.
Thành phố hiện có 75,88% số hộ, 73,44% số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, số xã được công nhận nông thôn mới đạt tiêu chí ATTP là 17/58 xã, đạt 29,3%. Tỷ lệ khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, giám sát ATTP tăng lên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhiều chương trình tuyên truyền trọng điểm dịp Tết Kỷ Hợi, tháng hành động vì ATTP và dịp Tết Trung thu đã góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức cho người kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP Thành phố, theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm thì phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Do việc này thường mất 2-4 ngày và trong thời gian đó lại không được tạm giữ lô hàng, nếu kết quả dương tính khi phân tích định lượng thì hàng đã được phân phối hết.
Bên cạnh đó, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn bị hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi. Hiện sản xuất nông nghiệp tại Thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Điều này gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc. Một số hộ kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ chưa thực hiện đúng các quy định lưu giữ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa đang bày bán, kinh doanh. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm nhằm né tránh hoạt động kiểm tra, gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Mặt khác, nhận thức của người tiêu dùng về ATTP chưa cao, vẫn còn chấp nhận tiêu thụ thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn.
Do vậy, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về ATTP, nhất là khu vực nông thôn, vùng ven. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng và có cảnh báo ATTP kịp thời đối với người tiêu dùng.
Thanh Hà