|
Toàn cảnh hội thảo. |
Hội thảo có sự tham dự của các nhà quản lý ở Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan thông tấn, báo chí; các diễn giả là chuyên gia nghiên cứu, nhà báo và các doanh nhân nổi tiếng trong cả nước…
Doanh nghiệp cần sẵn sàng hợp tác, lắng nghe
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, truyền thông kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đi kèm với đó là không ít những thách thức. Việc tổ chức hội thảo này nhằm giúp các doanh nghiệp định hướng xây dựng thương hiệu truyền thông trong thời đại số, giải quyết khủng hoảng nếu xảy ra; nhận diện hiện trạng truyền thông kỹ thuật số, những vấn đề, thách thức, quản lý như thế nào. Các đơn vị, doanh nghiệp có thái độ, ứng xử, chiến lược như thế nào để xây dựng thương hiệu, xử lý khủng hoảng nếu xảy ra…
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, các doanh nghiệp hết sức cố gắng để tận dụng truyền thông kỹ thuật số, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp có xu hướng không muốn công khai lên truyền thông. Trong khi đó, một số đơn vị truyền thông thông tin thiếu cân nhắc, kiểm chứng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, có khi không phải vô tình mà là cố ý. Có doanh nghiệp mất nhiều năm để xây dựng thương hiệu, nhưng chỉ cần qua một khủng hoảng truyền thông là có thể phá sản, chỉ trong thời gian ngắn.
Cũng trao đổi về khía cạnh này, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, khi đưa tin về doanh nghiệp, nhà báo luôn phải tỉnh táo giải mã các hiện tượng tin đồn trong xã hội, nhất là những thông tin trên mạng xã hội gây bất lợi cho các doanh nghiệp. Từ đó, tạo dựng mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trở nên gắn bó mật thiết hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
|
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, tin đồn là “sản phẩm truyền thông” chứa đựng nhiều yếu tố nhiễu trong quá trình truyền thông, bởi nó chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: trình độ, nhận thức, sở thích, thói quen, hoàn cảnh của người truyền tin và đối tượng tiếp nhận thông tin. Mỗi lần tin đồn được truyền đi, nó lại được “thêm mắm, dặm muối” tình tiết theo hoàn cảnh hoặc đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn, dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí mất kiểm soát thông tin.
Thực tế cho thấy, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng được “chính thống hóa” trên báo chí không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp – “nạn nhân” của tin đồn. Vì vậy, theo nhà báo Hồ Quang Lợi, các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động trên mạng xã hội phải có trách nhiệm “xử lý” tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, để ứng xử trước tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và quyền lợi của mình, các doanh nghiệp cần minh bạch hóa thông tin; Sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông; Không nên tìm cách gỡ tin, bài ngay lập tức và cần sẵn sàng hợp tác, lắng nghe và chia sẻ thông tin với báo chí, cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông.
Báo chí cần quan sát toàn diện, đa chiều
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, để tranh việc thông tin thiếu chính xác, minh bạch, gây hại cho doanh nghiệp và cộng đồng, nhà báo, cơ quan báo chí cần quan sát một cách toàn diện. Khi đưa tin về bất kỳ lĩnh vực nào, nhà báo đều phải chú ý lắng nghe các ý kiến đa chiều, phỏng vấn từ hai phía có quan điểm trái chiều, không thể chỉ nghe ý kiến của một bên. Các nhà báo không suy diễn, tưởng tượng chủ quan, giữ bí mật nguồn tin. Không phát tán tin đồn và kiên trì nguyên tắc kiểm chứng.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, báo chí và doanh nghiệp có thể coi là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển. Bởi lẽ, doanh nghiệp rất cần thông tin và nắm bắt thông tin trên báo chí. Đặc biệt, trong nền kinh tế cạnh tranh bằng thông tin, ai nắm được thông tin thì người đó sẽ thắng, ai chậm thông tin sẽ thua thiệt.
Chia sẻ về tình hình báo chí trên địa bàn TPHCM hiện nay, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Báo chí TP cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 30 cơ quan báo chí đang hoạt động gồm: 16 báo, 12 tạp chí, 1 đài truyền hình và 1 đài tiếng nói nhân dân Thành phố. Trong đó, có 11 cơ quan báo chí có phiên bản điện tử. Ngoài ra, có 161 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương khác đã đăng ký hoạt động trên địa bàn.
Đặc biệt, ông Từ Lương nêu thực trạng, hiện nay có một số cơ quan báo chí Trung ương chưa đăng ký, đang trong diện rà soát để quản lý. “Trong năm nay, TPHCM mở rất nhiều cuộc giao ban, tích cực đẩy mạnh công tác tuyền truyền. Trước vấn đề nóng được xã hội quan tâm, có nhiều chính sách lớn tác động người dân, các cuộc giao ban báo chí này cần cung cấp thông tin cho báo chí” – ông Từ Lương nói.
|
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM phát biểu tại Hội thảo. |
Tham dự hội thảo, TS. Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động chia sẻ, trong khoảng 2 thập niên vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của báo điện tử và mạng xã hội đã tác động trực tiếp đến báo in và các phương thức truyền thông truyền thống.
Truyền thông đa phương tiện (Multi-media) giúp con người thỏa mãn hơn trong nhu cầu thông tin với các tính năng hiện đại. Nếu trước đây, mỗi loại hình báo chí đều có tính độc lập, cụ thể như báo in, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình) thì ngày nay 3 loại hình này đã được tích hợp trong một đơn vị truyền thông. Sự thay đổi về phương thức truyền thông trong thời đại số tạo ra rất nhiều thách thức nhưng cũng có không ít cơ hội cho cả cơ quan báo chí lẫn doanh nghiệp.
|
Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại Hội thảo. |
Theo TS. Tô Đình Tuân, hiện nay, Việt Nam có hơn 96 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á, trong đó có hơn 60% dân số sử dụng Internet, đứng thứ 16 trên thế giới. Theo một kết quả thống kê, trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng Internet hơn 7 giờ/ngày, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Đây là môi trường hết sức thuận lợi cho sự phát triển của các phương thức truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, với không gian rộng lớn và sự tham gia của hàng chục triệu người - trong đó có không ít tổ chức, cá nhân với nhiều mục đích, động cơ khác nhau, rất dễ gây ra các cuộc khủng hoảng truyền thông. Tình trạng đưa thông tin giả, thông tin sai lệch… lên mạng xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí gây thiệt hại nặng nề đến thương hiệu và tương lai của doanh nghiệp. Báo chí - truyền thông và các doanh nghiệp - doanh nhân không phải là đối thủ mà nên là những người bạn đồng hành trên con đường đi tới tương lai.