Cung cấp thông tin tại buổi giao ban, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ 17 giờ 45 đến 21 giờ ngày 14/9, trên địa bàn thành phố diễn ra trận mưa lớn kéo dài (đặc biệt là ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh và quận 2), vũ lượng mưa đo được tại trạm Cầu Sài Gòn là 140,46 mm, vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay khoảng 1,6 lần. Với hiện trạng hệ thống thoát nước của tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh khẩu độ từ 400 mm, cống hộp 1,6m x 1,6m, tổng chiều dài 900m. Hướng thoát ra sông Sài Gòn là hướng thoát duy nhất, hệ thống thoát nước này được hoàn thành từ 2008 và là khu vực nền đất yếu, đã bị lún cục bộ, đặc biệt là đoạn trước cao ốc The Manor, mặt đường trũng, bị lún khoảng hơn 1 mét, hệ thống thoát nước lại nằm sâu hơn dưới mặt đường nên khả năng thoát nước của đoạn đường này rất hạn chế. Khi xảy ra trận mưa từ 50mm trở lên thì đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ ngập nước.
Vào năm 2016, tại thành phố đã xảy ra trận mưa đạt lưu lượng 159,6 mm, gây ngập nặng cho tuyến đường, ngập sâu từ 40 đến 65cm. Thời gian nước rút hết mất khoảng 9 đến 10 tiếng đồng hồ.
Về vận hành máy bơm trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong trận mưa ngày 14/9, ông Điệp thông tin thêm: Vũ lượng mưa của trận mưa này rất lớn, trong thời gian ngắn cho nên tại thời điểm đang mưa lớn thì độ sâu ngập ở giữa đường là 15cm và phía sát lề, làn đường cho xe hai bánh là 40cm; diện tích ngập là 8.000 m2. Ngay từ khi bắt đầu xảy ra mưa, Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, đơn vị đang vận hành máy bơm chống ngập mà thành phố thuê dịch vụ đã bắt đầu vận hành máy bơm và bơm suốt sau thời gian mưa cho đến lúc nước hết ngập (khoảng 25 phút). Ông Điệp cũng đánh giá, đây là trận mưa lớn vượt quá công suất thiết kế và gây quá tải hệ thống thoát nước, công suất máy bơm có thể giải quyết chuyện ngập, nhưng hệ thống thu nước về trạm bơm vẫn đang còn hạn chế, nhiều tuyến cống cũ và nhiều đoạn bị lún khiến khả năng thu nước về chưa tốt.
Tuy nhiên, việc có trạm bơm chống ngập này đã giải quyết vấn đề, khống chế được tình trạng ngập: Thứ nhất là chiều sâu ngập (nếu không có máy bơm, có thể ngập 0,6m đến 0,8m, không thể đi lại được); thứ hai là thời gian ngập có thể kéo dài 5 đến 6 tiếng nếu để nước tự rút (ngày 14/9 cũng vào đợt triều cường) trong khi thực tế là đã giải quyết sau khi mưa tạnh 25 phút. Vì vậy, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật khẳng định, hệ thống bơm hoạt động hiệu quả, giải quyết tình trạng ngập nặng kéo dài tại “rốn” ngập Nguyễn Hữu Cảnh.
Về giải pháp lâu dài cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Điệp cho biết: Thực trạng hệ thống thoát nước chung của thành phố được đầu tư từ rất lâu, chưa được thay thế, sửa chữa, trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng nhanh, hạ tầng phát triển không theo kịp dẫn đến hệ thống thoát nước quá tải. Bên cạnh đó, việc lấn chiếm hệ thống kênh rạch thoát nước lại chưa được giải quyết dứt điểm; diện tích hồ chứa, hồ điều hòa bù đắp cho đô thị hóa chưa đáp ứng được yêu cầu chống ngập, dẫn đến việc chống ngập, thoát nước trên nhiều tuyến đường khó khăn. Hiện thành phố đã rất nỗ lực, bằng nhiều giải pháp để giảm chiều sâu ngập, thời gian ngập đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo người dân các khu vực bị ngập để người dân có thể chủ động chọn lộ trình khác, tránh ngập.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Tập đoàn công nghiệp Quang Trung - đơn vị đầu tư Trạm bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết thêm: Đặc thù đường Nguyễn Hữu Cảnh nó đúng như một “lòng chảo”, phía bờ Vinhomes và Saigon Pearl thì rất cao nhưng bên phường 22 rất thấp, đường chính lại lún rất sâu. Vì vậy khi mưa nước dồn về rất nhanh, qua hệ thống quan sát thì mưa 15 phút vẫn chưa ngập nhưng sau đó khoảng chỉ 2 phút thì đường đã ngập lên nhanh. Máy bơm theo thiết kế chỉ giải quyết được vũ lượng 104mm, thời gian mưa là 90 phút (đã thống nhất với các cơ quan chuyên môn và trong hợp đồng) nhưng thực tế vũ lượng là 165mm, thời gian mưa kéo dài tới 3 tiếng. Như vậy là vượt cả về vũ lượng lẫn thời gian. Mặt khác lưu vực đăng ký trong hợp đồng là 75 héc ta nhưng khi mưa thì toàn bộ khu vực phía Điện Biên Phủ và lân cận đều chảy dồn đến. Ngay cả khu vực chân cầu từ số nhà 125A trở về đến đường Điện Biên Phủ là ngoài lưu vực của công trình nhưng trên thực tế, chỉ cần mưa khoảng 100mm đã phải bơm cho cả khu vực này khoảng 2/3 lượng nước.
Ông Cường cho rằng, một số cơ quan báo chí đã đăng tin, bài về sự việc không chính xác, sử dụng hình ảnh tại chân cầu Sài Gòn để minh họa, nội dung tin bài khẳng định có bơm nhưng vẫn ngập là chưa chính xác.
Ông Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu các cơ quan báo chí khi tác nghiệp về vấn đề này nên trao đổi, phỏng vấn phía cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện để khi phản ánh đến người dân thì khách quan, đa chiều, chính xác hơn. Đồng thời, về phía các đơn vị cũng cần cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan báo chí, để thông tin được nhanh chóng và chính xác. Nhất là từ đây đến cuối năm là cao điểm của mưa lớn và các đợt triều cường.
THANH HÀ