Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM từ ngày 1 đến 14/3

19:06 14/03/2024

(HMC) – Chiều 14/3, tại Trung tâm Báo chí Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Hội Nhà Báo Việt Nam, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên Môi Trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), UBND Quận 8, Trung tâm Báo chí TPHCM… cùng hơn 40 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Hội báo toàn quốc 2024: 112 gian hàng của hơn 300 cơ quan báo chí sẵn sàng khai hội 

Thông tin về Hội báo toàn quốc 2024, ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam cho biết, sau nhiều năm diễn ra tại Hà Nội, lần đầu tiên sự kiện trên được tổ chức tại TPHCM với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hội báo sẽ khai mạc vào 8h ngày mai (15/3) tại tuyến đường Lê Lợi, sau lễ dâng hoa của đoàn đại biểu tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ).

Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho biết hội báo đã sẵn sàng diễn ra tại tuyến đường Lê Lợi, Quận 1, TPHCM. Ảnh: LINH NHI 
Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho biết hội báo đã sẵn sàng diễn ra tại tuyến đường Lê Lợi, Quận 1, TPHCM. Ảnh: LINH NHI 

“Sáng nay, Ban tổ chức đã tổng duyệt chương trình khai mạc và bế mạc. Lễ khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1, phát thanh trên VOV và VOH. Chương trình bế mạc sẽ được HTV, VOV và VOH truyền hình, truyền thanh trực tiếp”, ông Trần Trọng Dũng cho biết.

Theo Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, trên trục đường Lê Lợi sẽ có 112 gian trưng bày của 300 cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo, cơ sở đào tạo báo chí trên cả nước, với quy mô gấp 2 lần so với các năm trước. Ngoài ra, 50 Hội nhà báo các tỉnh, thành cũng đem đến sự kiện 64 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP đến từ mọi miền đất nước. Năm nay, hội báo dành một gian trưng bày về lịch sử 99 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngay sau lễ khai mạc, Diễn đàn báo chí toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức, quy tụ hơn 600 lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tại đây, 10 phiên thảo luận về những vấn đề mà báo chí quan tâm sẽ được trình bày bởi 60 diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực.

TPHCM: Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trong quý 1

Thông tin về tình hình 3 dự án trọng điểm gồm: Dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm (quận Gò Vấp và Bình Thạnh); Dự án bờ bắc Kênh Đôi (Quận 8); Dự án chỉnh trang chung cư Ngô Gia Tự (Quận 10), Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Lý Thanh Long cho hay, hiện các cơ quan ban, ngành đang nỗ lực phối hợp để đẩy nhanh tiến độ các dự án này. 

Chánh Văn phòng Sở Xây Dựng Lý Thanh Long thông tin tổng quan về tiến độ 3 dự án trọng điểm. Ảnh: THẾ ANH
Chánh Văn phòng Sở Xây Dựng Lý Thanh Long thông tin tổng quan về tiến độ 3 dự án trọng điểm. Ảnh: THẾ ANH

Cụ thể, đối với Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), trong quý 1 này,  Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị - đơn vị Chủ đầu tư dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Dự kiến sẽ trình thẩm định trong tháng 3 và phê duyệt trong tháng 4 để triển khai tuyển chọn nhà thầu xây lắp, kịp khởi công đoạn trên địa bàn quận Gò Vấp vào tháng 8.

Đối với Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8, hiện chủ đầu tư đang thực hiện các công tác lựa chọn nhà thầu để lập thủ tục lập dự án đầu tư. Dự kiến sẽ trình phê duyệt trong Quý 2/2024.

Riêng với Dự án chỉnh trang cụm Chung cư Ngô Gia Tự đã được UBND Quận 10, dự án này đưa vào kế hoạch thực hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính là do ngân sách Thành phố còn hạn hẹp nên chủ trương là mời gọi nhà đầu tư để huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải khó khăn vì một số lý do.

Hiện Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND Quận 10 đã thống nhất đề xuất trình UBND Thành phố thông qua nhiệm vụ đầu tư Dự án chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng mới cụm chung cư Ngô Gia Tự, phường 2, Quận 10. Trong đó, các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc đã được điều chỉnh tăng để mời gọi được nhà đầu tư tham gia, đồng thời đảm bảo được chính sách bồi thường tốt cho người dân. Sau khi UBND Thành phố thông qua, các đơn vị sẽ thông tin công khai để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.

Đại diện UBND Quận 8 tại họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Đại diện UBND Quận 8 tại họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Thông tin thêm về Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng UBND Quận 8 Nguyễn Hồng Thuận cho biết, ngày 01/3 vừa qua, UBND Quận 8 đã có Quyết định số 993/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán kinh phí phục vụ công tác điều tra khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thực hiện bồi thường.

Với tổng diện tích đất sẽ thu hồi là 5,512ha, có 1.571 trường hợp bị ảnh hưởng, trong có 1.005 trường hợp giải tỏa toàn bộ và 566 trường hợp giải tỏa một phần. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến hơn 4.930 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành điều tra, khảo sát, đo vẽ các trường hợp dọc tuyến bờ Bắc kênh Đôi (theo ranh cũ) và đang trình phê duyệt ranh mở rộng đường giao thông dọc bờ Bắc Kênh Đôi (đường Hoài Thanh, đường Nguyễn Duy), xây dựng tuyến đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y). Đồng thời, dự án cũng đã lập hồ sơ đấu thầu đo vẽ, thẩm định giá.

Khẩn trương thực hiện đấu giá đối với khối lượng gỗ thu hồi

Tại thông báo kết luận của Thanh tra TPHCM, Sở Xây dựng chưa có biện pháp bảo quản, chậm xử lý đấu giá hơn 4.500m3 gỗ thu hồi từ đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn, dẫn đến việc nhiều cây gỗ có dấu hiệu bị mục, ảnh hưởng đến chất lượng khi thực hiện đấu giá.

Chất lượng gỗ thu hồi từ đốn hạ, giải tỏa cây xanh là một trong những lý do khó đấu giá, ông Vũ Văn Điệp cho hay. Ảnh: LINH NHI 
Chất lượng gỗ thu hồi từ đốn hạ, giải tỏa cây xanh là một trong những lý do khó đấu giá, ông Vũ Văn Điệp cho hay. Ảnh: LINH NHI 

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM Vũ Văn Điệp cho biết, đến nay, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xử lý thanh lý vật tư là gỗ thu hồi từ việc đốn hạ thay thế cây xanh mất an toàn, hư hại, sâu bệnh và từ việc giải tỏa cây xanh cây xanh bị ngã đổ. Tuy nhiên, Trung tâm Hạ tầng vẫn chủ động đề xuất và tiếp tục duy trì công tác thanh lý gỗ thu hồi bằng hình thức đấu giá cho đến nay nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc thu, nộp ngân sách nhà nước.

Trong thời gian tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP sẽ tiếp tục thực hiện khẩn trương đẩy nhanh việc thực hiện đấu giá đối với khối lượng gỗ thu hồi còn lại. Thường xuyên tổ chức nhiều đợt đấu giá trong năm cho khối lượng thu hồi phát sinh mới (không phụ thuộc vào khối lượng gỗ thu hồi nhiều hay ít để giảm thời gian trông giữ, bảo quản).

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố và Sở Xây dựng, Trung tâm Hạ tầng đã hoàn chỉnh việc xây dựng quy trình quản lý, đấu giá gỗ thu hồi trình các cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý gỗ thu hồi trong thời gian triển khai công tác thanh lý, đấu giá: sắp xếp bãi gỗ gọn gàng, thuận tiện, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, lưu ý công tác phòng trừ mối mọt và đồng thời quan tâm đến vấn đề an toàn trong việc bảo quản gỗ thu hồi.

TPHCM có 14.210 hệ thống điện mặt trời mái nhà

Về hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà tại TPHCM, ông Nguyễn Phương Duy - Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương cho biết, theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TPHCM, hiện trên địa bàn TP có tổng cộng 14.210 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt, với tổng công suất khoảng 358,38 MWp.

Ông Nguyễn Phương Duy - Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương trả lời câu hỏi phóng viên gửi về họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Ông Nguyễn Phương Duy - Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương trả lời câu hỏi phóng viên gửi về họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Liên quan đến cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, ông Duy thông tin, Sở đã tham mưu UBND TPHCM ban hành Công văn gửi Bộ Công Thương góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; đồng thời kiến nghị Bộ nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù phát triển điện mặt trời mái nhà cho TPHCM.

Sau khi Chính phủ ban hành các hướng dẫn liên quan, Sở Công Thương sẽ căn cứ công suất được phân bổ trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tham mưu UBND TP triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên địa bàn TPHCM.

Dự báo mức độ xâm ngập mặn trên địa bàn TPHCM tiếp tục tăng

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)  TPHCM Nguyễn Đức Vũ. Ảnh: LINH NHI 
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)  TPHCM Nguyễn Đức Vũ. Ảnh: LINH NHI 

Liên quan tình hình xâm ngập mặn trên địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TPHCM Nguyễn Đức Vũ cho biết, qua khảo sát, quan trắc tại 7 trạm thuộc hệ thống sông chính trên địa bàn kỳ ngày 12 và 13/3, độ mặn đo được tại các trạm như sau:

Trạm Nhà Bè: 12,2 ‰; Phà Cát Lái 9,5 ‰; Cầu Thủ Thiêm: 5,9‰; Cầu Ông Thìn 1,7‰; Cống Kênh C: 6,3‰; K.Xáng + K.An Hạ: 2,4‰; Cầu Rạch Tra: 0,5‰. Với số liệu này, mức độ mặn đã tiệm cận giá trị mặn tối đa năm 2023, tuy nhiên vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm.

Dự báo mức độ xâm ngập mặn trên địa bàn TPHCM tiếp tục tăng, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thành phố tiếp tục tăng cường theo dõi các số liệu khảo sát xâm ngập mặn trên hệ thống kênh, rạch TP và cập nhập đầy đủ lên hệ thống thông tin điện tử (Website của Sở NN&PTNT).

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công tác vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước đủ, đúng về chất lượng và số lượng cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi  và phòng chống cháy rừng; Tăng cường duy tu, sửa chữa các hệ thống kênh, rạch, các công trình thủy lợi đảm bảo thông thoáng dòng chảy, lấy nước phục vụ sản xuất…

Đại diện Chi cục Thủy lợi khuyến cáo, người dân trên địa bàn Thành phố cần chủ động và thường xuyên theo dõi số liệu quan trắc, dự báo diễn biến xâm nhập mặn trên sông, kênh, rạch được đăng tải trên website Chi cục Thủy lợi - Sở NNPTNT và thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn trên các trang tin, báo đài truyền thông đại chúng làm cơ sở hoạt động, triển khai các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề đã được cơ quan chức năng khuyến cáo hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục