TP. Hồ Chí Minh đã xóa được 517/600 điểm “đen” ô nhiễm rác thải

21:25 03/10/2019

(HMC) - Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 19 – CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Với diện tích tự nhiên 2.095,65 km2 và dân số đông nhất cả nước (hơn 8,9 triệu người năm 2019 và nếu bao gồm số lượng người dân nhập cư là 13 triệu người). Hiện nay, Thành phố có khối lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cần phải xử lý để đảm bảo môi trường của thành phố không bị ô nhiễm. Sau 1 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã cơ bản đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, 24/24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã triển khai xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch, tăng thêm 8 quận, huyện so với thời điểm sơ kết 6 tháng là 16 quận, huyện; kết quả đã tiếp nhận và giải quyết 9.174/ 9.245 ý kiến phản ánh của người dân (đạt tỷ lệ 99,2%). Kết quả có 23/24 quận, huyện đã thực hiện tốt việc triển khai tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân, còn Quận 9 đang tập trung đẩy mạnh công tác giải quyết để trả lời kịp thời các phản ánh của người dân.

Bên cạnh đó, các quận, huyện và ngành chức năng của Thành phố đã tích cực rà soát và giải quyết thêm rất nhiều điểm ô nhiễm, xóa được 517/600 điểm “đen” ô nhiễm rác thải. Trong số đó, có 65 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên; xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Việc triển khai phân loại và xử lý chất thải rắn tại nguồn được từng bước thực hiện, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về phạm vi thu gom, cũng như khối lượng chất thải hữu cơ. Đây cũng là công tác đòi hỏi sự kiên trì, có giải pháp để giải quyết khó khăn trong thực tiễn triển khai cũng như cần thời gian để người dân thay đổi thói quen thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bên cạnh đó, đã tổ chức, sắp xếp được trên 1.440 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, đồng thời chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong một năm qua đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng chỉ tiêu công nghệ đến năm 2020 nâng tỷ lệ điện rác lên 50%, giảm chôn lấp 50% và đến năm 2025 tổng tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt 80%, chôn lấp giảm còn 20%.

Trong năm 2019, thành phố có 27 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, định hướng đến năm 2025 có 40 trạm trung chuyển. Thành phố cũng ban hành quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tính đến tháng 8 năm 2019, các quận huyện đã xử lý các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước được 46 hầm ga; 2.185 mét cống và 65 hầm ga; 21 cửa xả; 32 kênh rạch. Vẫn còn 59 hầm ga; 11.870 mét cống và 333 hầm ga; 38 cửa xả; 35 tuyến kênh rạch chưa được xử lý.

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục