Hội nghị nhằm triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025” của UBND TPHCM, ban hành ngày 20-12-2019 và Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 1-6-2022 về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
18 tiêu chí "Trường học hạnh phúc"
Theo bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" triển khai cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng và trung cấp thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn thành phố.
Bộ tiêu chí gồm 18 tiêu chí, chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn gồm: 6 tiêu chí về con người, 8 tiêu chí về dạy học và hoạt động giáo dục, 4 tiêu chí về môi trường.
Trường học hạnh phúc hướng đến tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử để qua đó, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TPHCM tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, không hình thức, thành tích.
Việc đánh giá Bộ tiêu chí dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học. Mỗi tiêu chí gồm 3 mức độ: cần cải thiện, khá, tốt.
Trên cơ sở đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt thì cần duy trì, chưa đạt cao thì cần phải có mục tiêu, phương hướng cải thiện.
Cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện từng nội dung trong bộ tiêu chí theo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, mặt bằng học tập...
Đặc biệt, tổ chức đối thoại với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và phân tích tình hình để cải thiện các tiêu chí chưa đạt.
Triển khai dựa trên nhu cầu, không thành tích
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai bài bản về xây dựng "Trường học hạnh phúc".
Theo Thứ trưởng, nhiều thống kê, nghiên cứu cho thấy không phải giàu có về vật chất là mang lại hạnh phúc. Nhiều năm trở lại đây, khoảng 30% dân số không hạnh phúc, tỷ lệ tự tử ở mức báo động tại một số quốc gia.
Từ thực tế đáng lo đó, năm 2012, lần đầu tiên thế giới có báo cáo toàn cầu về vấn đề hạnh phúc. Đến nay, hàng năm đều có báo cáo về nội dung này. Đặc biệt từ 2013, Liên hợp quốc chọn 20-3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc. Một số quốc gia cũng sử dụng chỉ số quốc gia về hạnh phúc. Tuy nhiên, các chính sách hướng đến nội dung này còn hạn chế. Ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo, các tiêu chí đánh giá "Trường học hạnh phúc" bắt đầu được quan tâm từ 2016.
Tại Việt Nam, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Công đoàn giáo dục Việt Nam phát động mô hình "Trường học hạnh phúc".
"Trường học hạnh phúc không phải học sinh sẽ học ít đi mà là học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất người học", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu; đồng thời khẳng định, việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" cần được thực hiện theo nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục, không thành tích và trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
"Việc thực hiện cần trên tinh thần tự nguyện, lợi ích thật sự của đơn vị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở điều kiện thực tế, không nên hành chính hóa, không đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm, không nóng vội, tránh tạo áp lực", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, quá trình xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị trường học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị, tới đây khi triển khai Bộ tiêu chí, các cơ sở giáo dục quan tâm đối tượng cha mẹ học sinh, đưa vào như một trong những chủ thể quan trọng, ảnh hưởng quá trình xây dựng "Trường học hạnh phúc".