Tham dự có đại diện các đơn vị: Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Xây dựng; Ban quản lý đường sắt đô thị; Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP.HCM; UBND Thành phố Thủ Đức; Trung tâm Báo chí Thành phố và gần 40 phóng viên, biên tập viên của 30 cơ quan báo, đài.
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI
Dự kiến hoàn thành 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm với cơ chế đặc biệt
Với sự thành công ban đầu và sự đón nhận của người dân đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Phan Công Bằng nhận định, đây là tiền đề để thành phố nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đường sắt đô thị trong thời gian tới.
Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Phan Công Bằng thông tin về kế hoạch phát triển đường sắt đô thị trong giai đoạn sắp tới. Ảnh: LINH NHI
Ông Bằng thông tin, tháng 2/2023, Bộ Chính trị có Kết luận 49 về phát triển thành đường sắt, trong đó đường sắt đô thị Hà Nội và TP. HCM đến năm 2035 phải hoàn thành theo quy hoạch.
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cùng với hai thành phố đã quyết liệt làm làm ngày, làm đêm, làm xuyên Tết để trình Quốc hội vào kỳ họp này cơ chế đặc thù đặc biệt phát triển đường sắt đô thị thành phố. Đáng chú ý, sẽ có hàng loạt cơ chế gần như phân quyền toàn bộ cho TP. HCM và Hà Nội. Đồng nghĩa với việc, không phải lập chủ trương đầu tư, mà lập dự án đầu tư trên cơ sở quy hoạch, phân bổ ngân sách của Trung ương và cho phép thành phố tự chủ phê duyệt một số dự án đầu tư và triển khai.
“Về mặt cơ chế, gần như là cơ chế đặc thù đặc biệt toàn diện để chúng ta có thể trong vòng 10 năm phát triển 7 tuyến với 355 km xuyên tâm và vành đai”, ông Bằng thông tin.
Sắp có thêm gần 3.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025
Đại diện Sở Xây dựng tại họp báo. Ảnh: LINH NHI
Thông tin về kết quả phát triển nhà ở trên địa bàn, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Nguyễn Văn Hoan cho biết, từ năm 2021 đến nay, TP. HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 05 dự án nhà xã hội, với quy mô 2.377 căn; 01 dự án nhà lưu trú công nhân (hoàn thành một phần) với quy mô 368 căn; đang thi công 04 dự án với quy mô là 2.874 căn (gồm 03 dự án nhà xã hội và 01 dự án nhà lưu trú công nhân).
Trong năm 2025, trên địa bàn thành phố dự kiến có 04 dự án hoàn thành với quy mô 2.874 căn và 08 dự án khởi công với quy mô là 7.945 căn.
Như vậy, giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng 08 dự án nhà ở xã hội và 01 dự án nhà lưu trú công nhân (hoàn thành 5.619 căn).
Theo chương trình phát triển nhà ở xã hội TP. HCM giai đoạn 2021 – 2030 và Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" của Chính phủ, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP. HCM đến năm 2030 là đầu tư xây dựng từ 69.700 - 93.000 căn nhà xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 là 26.200 đến 35.000 căn; giai đoạn 2026 - 2030 là 43.500 đến 58.000 căn.
Đại diện Sở Xây dựng TP thông tin thêm, UBND TP đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà xã hội thông qua việc tổ chức các cuộc họp chuyên đề về nhà xã hội định kỳ hàng tháng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đồng thời cũng đã thành lập Tổ công tác giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên thành phố.
Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tích cực tham gia đầu tư cho xã hội trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Hoan, TP đã làm việc với 11 doanh nghiệp và liên đoàn lao động thành phố, qua đó, các doanh nghiệp căng ký thực hiện đầu tư xây dựng khoảng là 40.000 căn hộ. Cạnh đó, UBND TP cũng đang xây dựng kế hoạch để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà xã hội đối với ba khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý bởi quy mô khoảng 3.000 căn.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, công điện của Trung ương về công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà xã hội. Chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan tích cực phối hợp trong việc xây dựng Đề án phát triển nhà xã hội cho công nhân, người lao động, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách thành phố.
Ngoài ra, HĐND TP cũng đã ban hành cái Nghị quyết số 09 quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư do hát phí cho vay. Trong đó có cơ chế hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho vay thực hiện dự án nhà xã hội. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất và thành phố cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà xã hội theo tình hình thực tế, khả năng đáp ứng của thành phố.
Thông tư 29 giúp việc dạy thêm, học thêm thực hiện đúng quy định
Trước khi Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm học thêm chính thức có hiệu lực vào ngày mai (14/2/2025), Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh chia sẻ với báo chí, tại Thông tư này, nhà nước không cấm việc dạy thêm, nhưng hoạt động này cần được thực hiện đúng quy định. Giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, không có ngoại lệ trong việc thực hiện thông tư của Bộ GD-ĐT. Ảnh: LINH NHI
Cụ thể, việc dạy thêm phải được thực hiện tại nơi có đăng ký kinh doanh (hộ kinh doanh, trung tâm dạy thêm học thêm) được Sở Kế hoạch đầu tư hoặc UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện cấp phép. Nếu giáo viên có cơ sở vật chất là nhà riêng hoặc phòng ốc đủ điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh dạy thêm học thêm thuê để tổ chức thì giáo viên được phép dạy tại trung tâm này như những trung tâm khác.
Chánh văn phòng Sở GD - ĐT cũng nhấn mạnh quy định không dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh chính khoá: “Chúng ta phải dạy tất cả các nội dung, kiến thức chương trình, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tư học, tự nghiên cứu chứ không phải chừa lại một phần nội dung cho việc dạy và học thêm. Các lớp dạy thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức và không thu phí với 3 đối tượng là học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
Thông tin rõ hơn về quy định “không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”, ông Hồ Tấn Minh cho biết, thầy cô có thể tổ chức các lớp học đàn, học vẽ, học bơi, rèn chữ, STEM,... để các em tham gia sau giờ học.
“Việc này giúp rèn cho học sinh những kỹ năng, năng khiếu khác để phát triển toàn diện hơn, chứ không phải chỉ tập trung vào các môn chính khoá như Toán hay Tiếng Việt”, ông chia sẻ.