Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 08/2/2022

09:10 08/02/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 08/2:

TP Thủ Đức sẽ là khu vực dẫn dắt kinh tế TPHCM

Báo Thanh Niên cho hay, UBND TPHCM vừa có Quyết định 318/2022 về ban hành kế hoạch triển khai đề án "Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035". Quyết định này thay thế và hủy bỏ Quyết định 2655/2020 của UBND TPHCM trước đó về kế hoạch hành động về xây dựng Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố.

Với quyết định này, chỉ tiêu đến năm 2035, tỷ trọng GDP của TP.Thủ Đức đóng góp 1/3 GRDP của TPHCM và 7% GDP cả nước. TPHCM sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía Đông thành phố (TP Thủ Đức) thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế TPHCM và là vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

TP Thủ Đức sẽ đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của TPHCM và của cả nước. Ảnh: Đình Sơn
TP Thủ Đức sẽ đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của TPHCM và của cả nước. Ảnh: Đình Sơn

Theo kế hoạch, đến năm 2025, sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 Nhà (Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà giáo dục). Đồng thời phê duyệt và công khai quy hoạch chung TP Thủ Đức và quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2025 TP Thủ Đức thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia; số lượng các phát minh, sáng chế tăng trưởng 100% sau 5 năm.

Hình thành quỹ đất phát triển khoảng 100 ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu Đại học Quốc gia TPHCM.

TP cũng sẽ dành khoảng 50 ha đất để phát triển quỹ đất công nghiệp sáng tạo; xây dựng thêm 500.000 m2 sàn văn phòng hạng A, 1 triệu m2 sàn hạng B, C và 1 triệu m2 sàn xưởng.

Đạt mức 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng; hình thành dự án và nguồn vốn cụ thể bổ sung tuyến BRT; nghiên cứu và thực hiện 5 giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông công cộng; diện tích sàn công trình xung quanh nhà ga giao thông công cộng trong bán kính 500 m tăng 200% sau 5 năm.

TP cũng đưa ra mục tiêu sẽ hoàn thành khép kín Vành đai 2 và triển khai xây dựng Quốc lộ 13, Vành đai 3. Hoàn thành dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 nối với Bình Dương, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch.

Công sở TPHCM ngày đầu năm: Phục vụ dân chu đáo, an toàn

Ngày 7/2 là ngày đầu tiên đi làm lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cơ quan hành chính trên địa bàn TPHCM khá đông người dân đến làm các loại thủ tục như hộ tịch, tư pháp, sao y, chứng thực... Các cơ quan, đơn vị đều bố trí nhân sự cũng như bảo đảm công tác phòng chống dịch để phục vụ tốt nhất cho người dân đến liên hệ. Ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.

Tại UBND quận Phú Nhuận, ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp được hướng dẫn xếp hàng và đảm bảo phòng chống dịch trong phòng tiếp nhận hồ sơ. Ông Đỗ Đình Du, Tổ trưởng tổ một cửa tại Văn phòng HĐND và UBND quận Phú Nhuận, thông tin công tác chuẩn bị tiếp đón người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận sau tết Nguyên đán được thực hiện kỹ lưỡng.

Đến UBND quận Phú Nhuận để làm một số giấy tờ liên quan đến hoạt động ngân hàng, chị Doãn Thị Phương cho hay: “Khi đến đây tôi được các cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình, nhanh chóng. Tôi thấy rất hài lòng”. 

Người dân liên hệ làm hồ sơ, thủ tục tại bộ phận một cửa UBND quận Tân Bình chiều 7/2. Ảnh: Hữu Đăng
Người dân liên hệ làm hồ sơ, thủ tục tại bộ phận một cửa UBND quận Tân Bình chiều 7/2. Ảnh: Hữu Đăng

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND quận Tân Bình, người dân trước khi vào làm thủ tục phải khai báo y tế bằng cách quét mã QR trong ứng dụng PC-COVID vào máy đã được quận bố trí sẵn. Việc khai báo được thực hiện rất nhanh chóng.

“Ngày đầu năm đi làm thủ tục cũng rất thuận lợi vì không phải ngồi chờ lâu, cán bộ tiếp dân cũng chu đáo, niềm nở”, anh ĐVT chia sẻ khi đến UBND quận Tân Bình để nhận kết quả hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận được nộp từ trước Tết.

Còn tại trụ sở UBND TP Thủ Đức KV 1 (đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi), từ 13 giờ, các cán bộ tổ tiếp nhận hồ sơ đã bắt đầu làm việc. Người dân đến làm việc đều được hướng dẫn, giải đáp rõ ràng. Được biết, vì TP Thủ Đức đang áp dụng việc nhận hồ sơ trực tuyến và trả tại nhà nhiều nên người dân tại đây không phải mất nhiều thời gian đến trụ sở để giao dịch trực tiếp.

Chợ đầu mối Hóc Môn hoạt động lại bình thường và giá giảm sau Tết

Báo Lao Động đưa tin, chiều 7/2 (mùng 7 Tết), ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, hiện các ki-ốt trong chợ đều đã hoạt động lại, lượng hàng nhập về chợ và giá cả các mặt hàng đã trở lại như ngày thường. 

Tiểu thương này cho biết sức mua Tết năm nay yếu hơn so với mọi năm.
Tiểu thương này cho biết sức mua Tết năm nay yếu hơn so với mọi năm.

Theo ông Dũng, ngày 6/2/2022 (chủ nhật, Mùng 6 Tết) sản lượng heo mảnh nhập về chợ là 1.511 con, tương đương 113 tấn. Giá heo hơi tại doanh nghiệp loại 1 là 58.000 đồng/kg, loại 2 là 55.000 đồng/kg. Giá heo hơi các trại chăn nuôi, hộ dân từ 49.000 đồng/kg đến 54.000 đồng/kg. Giá heo mảnh loại 1 là 90.000 đồng/kg, loại 2 là 77.000 đồng/kg, đùi 75.000 đồng/kg, sườn non 180.000 đồng/kg, cốt lết 60.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg.

"Tổng sản lượng hàng hóa nhập về chợ là 1.320 tấn, trong đó rau, củ, quả là 919 tấn, trái cây 288 tấn, thịt heo 113 tấn. Giá cả các mặt hàng rau, củ, trái cây về mức của ngày thường. Từ mùng 7 Tết, các vựa, ki-ốt mở cửa bán lại bình thường, đa số đã hoạt động bán trở lại" - ông Dũng cho biết.

Du lịch TPHCM đạt doanh thu khoảng 3.100 tỷ đồng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán

VOV thông tin, theo Sở Du lịch TPHCM, từ ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu đến mùng 6 Tết Nhâm Dần, tổng doanh thu từ du lịch trên địa bàn đạt khoảng 3.100 tỷ đồng.

Cụ thể, lượng khách tham quan tại các khu điểm du lịch trên toàn địa bàn TP khoảng 300.000 lượt khách, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Khách lưu trú tại TPHCM mang lại doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng. Khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác như: ăn uống, vận chuyển,... là 1 triệu lượt, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng. 

Khu du lịch Suối Tiên đón 85.000 lượt khách trong 6 ngày Tết Nhâm Dần.
Khu du lịch Suối Tiên đón 85.000 lượt khách trong 6 ngày Tết Nhâm Dần.

Các đơn vị kinh doanh du lịch tại TPHCM cho biết, lượng khách trong dịp Tết Nhâm Dần tăng mạnh so với 2 năm trước đây. Trong vòng 6 ngày từ mùng 1 tới mùng 6 Tết, Khu Du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) đón hơn 85.000 lượt khách tới tham quan, vui chơi, giải trí. Riêng hệ thống xe buýt 2 tầng tham quan thành phố thời gian dịp nghỉ Tết luôn trong tình trạng “cháy vé”.

Không chỉ khách từ các tỉnh, thành đến TPHCM, lượng người dân TPHCM đi du lịch trong dịp Tết tại các địa phương khác cũng rất lớn. Hầu hết các đơn vị lữ hành đều có những đoàn khách khởi hành ngay từ mùng 1 Tết. Trong đó, từ mùng 2 đến mùng 4, Công ty Vietravel đã có 4 chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) đưa gần 1.000 khách từ TPHCM đến Phú Quốc. Tương tự, Công ty Lữ hành Saigontourist cũng phục vụ hơn 6.800 khách trong 6 ngày Tết.

Sinh viên Đại học trở lại trường học tập trung từ ngày 14/2

Báo Người Lao Động cho hay, hiện tại, các trường Đại học (ĐH) trên địa bàn TPHCM đã lên phương án đưa sinh viên trở lại trường học tập trung từ ngày 14/2, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh,…

Theo TS Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), sau thời gian học online để phòng chống dịch bệnh COVID-19, sinh viên của trường sẽ trở lại trường học trực tiếp từ tháng 2/2022. Cụ thể, sinh viên khoá 2019 học từ ngày 14/2, sinh viên khoá 2018 và 2020 học trực tiếp từ ngày 21/2, khoá 2021 học từ ngày 28/2.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm sẽ trở lại trường học tập trung từ 14/2
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm sẽ trở lại trường học tập trung từ 14/2

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, từ ngày 14/2, sinh viên sẽ trở lại học tập trung tại trường. Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Tổ chức Sự kiện nhà trường, cho biết kết hoạch đưa sinh viên trở lại trường học tập trung chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 14/2, sinh viên chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết, sinh viên năm 4; đợt 2 từ ngày 28/2 cho sinh viên còn lại.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP, cho biết từ 14/2, sinh viên học thực hành sẽ đến trường học tập trung. Riêng những môn lý thuyết, sinh viên vẫn tiếp tục học online để khoảng 2 tuần tiếp theo.

9 ngày Tết, tội phạm ở TPHCM giảm đến 67%

Cũng trên báo Pháp Luật TP, tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác đầu Xuân Nhâm Dần 2022 sáng 7/2, Đại tá Lê Quang Đạo, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP cho biết, trong 9 ngày Tết Nguyên đán, tỉ lệ tội phạm về trật tự xã hội giảm mạnh (giảm hơn 67%) so với cùng kỳ năm trước. 

Hội nghị được Công an TPHCM tổ chức sáng 7-2. Ảnh: CA
Hội nghị được Công an TPHCM tổ chức sáng 7-2. Ảnh: CA

Đặc biệt, trong các ngày 2/2 và 6/2, trên địa bàn TP không ghi nhận tội phạm về trật tự xã hội; tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, giao thông thông suốt, không để xảy ra ùn tắc trước và trong những ngày Tết.

Công an TP cũng ghi nhận xảy ra 28 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 57 vụ, = 67,06% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021); đã điều tra, khám phá nhanh 18 vụ, tạm giữ 20 người.

Phát hiện 1 vụ/2 nghi phạm tàng trữ pháo trái phép; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 8 vụ/8 nghi phạm vi phạm về sử dụng pháo nổ.

Lập biên bản 773 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 129 xe gắn máy, 172 giấy tờ xe các loại, tước giấy phép lái xe có thời hạn 64 trường hợp.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục