Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 10/2/2025

09:51 10/02/2025

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 10/2:

Độc đáo Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tại TP. HCM

Ngày 9/2 (12 tháng Giêng), cả nghìn người tham gia lễ diễu hành Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tại Chợ Lớn để cầu an, giải hạn, mong một năm an lành. Tin trên báo Lao Động.

Đông người dân đứng dọc hai bên đường để chào mừng, cầm theo nhang, chắp tay cầu nguyện khi đoàn rước tượng Quan Công đi ngang qua để lấy vía may mắn, tài lộc đầu năm.
Đông người dân đứng dọc hai bên đường để chào mừng, cầm theo nhang, chắp tay cầu nguyện khi đoàn rước tượng Quan Công đi ngang qua để lấy vía may mắn, tài lộc đầu năm.

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân xuất du là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện mừng ngày Hội Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025. Đây là lần thứ 3 lễ hội được tổ chức tại TPHCM. Chương trình với sự tham gia của hàng nghìn người dân cùng 22 đoàn lân - sư - rồng và các đoàn thể khác.

Lễ diễu hành xuất phát tại Hội quán Nghĩa An (đường Nguyễn Trãi, Quận 5) đi qua các đường Trần Xuân Hòa - Trần Hưng Đạo – Phùng Hưng - Hải Thượng Lãn Ông - Đỗ Ngọc Thạch - Nguyễn Trãi – Châu Văn Liêm – Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi (Hội quán Nghĩa An), nhằm tạo sự gắn kết cộng đồng.

Ông Trần Em - Trưởng Hội quán Nghĩa An cho biết, lễ vía Quan Công có từ khi Hội quán Nghĩa An được xây dựng khoảng 200 năm trước, nhưng từ năm 2023, hình thức diễu hành trên đường phố mới diễn ra nhằm bảo tồn và phát triển lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa ở TPHCM. “Việc rước tượng mang ý nghĩa nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an...", ông Trần Em nói.

Khánh thành Cột mốc chủ quyền Trường Sa tại Đường sách TP Thủ Đức

Báo Phụ Nữ TP đưa tin, trong khuôn khổ hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025), Ban quản lý Đường sách TP Thủ Đức đã tổ chức lễ khánh thành biểu tượng Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa tại không gian Đường sách TP Thủ Đức, vào sáng 9/2.

Biểu tượng Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa vừa được đặt tại Đường sách TP Thủ Đức. Nguồn ảnh: Trung tâm văn hóa TP Thủ Đức
Biểu tượng Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa vừa được đặt tại Đường sách TP Thủ Đức. Nguồn ảnh: Trung tâm văn hóa TP Thủ Đức

Cột mốc có diện tích khoảng 20m2 với chiều cao 3m và chiều ngang 0,8m. Tại lễ khánh thành, đại diện Lữ đoàn 125 Hải quân đã trao tặng khuôn cát trắng từ Trường Sa, cây bàng trái vuông và viên gạch Trường Sa có khắc Quốc huy Việt Nam để trưng bày tại Đường sách TP Thủ Đức.

Ban quản lý Đường sách kỳ vọng đây sẽ là một trong những điểm đến có ý nghĩa giáo dục về chủ quyền biên giới, biển đảo, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thanh thiếu niên nói riêng và người dân nói chung.

Bên cạnh công trình biểu tượng Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, trước đó, Đường sách TP Thủ Đức đã có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bia đá lời dạy của Bác Hồ, bia tiểu sử Mẹ VNAH Hồ Thị Tư, các không gian trưng bày/triển lãm sách và tư liệu, biểu tượng Hoa hướng dương…

TP. HCM thông tin về cúm mùa, yêu cầu đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế

Thông tin trên báo Tiền Phong, Sở Y tế TP. HCM cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn đã ghi nhận khoảng 2.900 ca cúm trên lâm sàng trong năm 2024, trong đó có 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong.

Sở Y tế khuyến cáo người dân mang khẩu trang khi đến các cơ sở khám chữa bệnh để phòng chống cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác
Sở Y tế khuyến cáo người dân mang khẩu trang khi đến các cơ sở khám chữa bệnh để phòng chống cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác

Hiện nay, các bệnh viện của thành phố đang điều trị nội trú cho 20 trường hợp mắc cúm. Theo Sở Y tế, đến nay thành phố chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm. Tuy nhiên, dịch cúm mùa đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ở trong nước, bệnh có xu hướng gia tăng ở khu vực các tỉnh phía Bắc.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP. HCM khuyến cáo, người dân không nên hoang mang nhưng cũng không chủ quan lơ là mà phải chủ động biện pháp bảo vệ sức khỏe. Khi đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế, người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.

Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp; tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Theo đó, các cơ sở y tế chủ động giám sát những trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút (SVP).

Mở bán vé tàu hỏa dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, ngành đường sắt áp dụng một số chính sách giảm giá cho người dân. Vé tàu được mở bán từ nay đến hết ngày 4-5-2025, theo Báo điện tử Chính Phủ.

Khi hành khách mua vé khứ hồi được giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé lẻ và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên. Ảnh: TL
Khi hành khách mua vé khứ hồi được giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé lẻ và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên. Ảnh: TL

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bắt đầu mở bán vé các đoàn tàu chạy thường xuyên trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Vé được mở bán từ nay đến hết ngày 4-5-2025.

Cụ thể, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM mở bán vé các đoàn tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8.

Với tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, mở bán vé tàu SE19/SE20, tuyến TPHCM - Đà Nẵng mở bán vé tàu SE21/SE22, tuyến TPHCM - Nha Trang mở bán vé tàu SNT1/SNT2, tuyến TPHCM - Phan Thiết mở bán vé tàu SPT1/SPT2 cuối tuần.

Trong dịp cao điểm này, ngành đường sắt vẫn áp dụng nhiều chương trình giảm giá cho hành khách như giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, sinh viên, đoàn viên công đoàn, người cao tuổi, trẻ em, hành khách có thẻ khách hàng.

Khi hành khách mua vé khứ hồi được giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé lẻ và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên.

Ngoài ra, căn cứ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ lễ, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy tăng cường tàu khách đến các tỉnh có lượng khách du lịch đông, đặc biệt là các tuyến từ TPHCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn Quảng Ngãi, từ Hà Nội đi Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng và ngược lại.

Toàn cảnh nút giao hiện đại nhất TP.HCM sau hơn 2 năm thi công

Theo ghi nhận của Znews, sau hơn hai năm thi công, dự án nút giao An Phú đã vượt mốc 60% khối lượng, dần định hình diện mạo của một công trình giao thông trọng điểm.

Toàn cảnh nút giao. 
Toàn cảnh nút giao. 

Nút giao An Phú nằm tại TP Thủ Đức, là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM, công trình được khởi công vào tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm thi công, các hạng mục của nút giao An Phú đã dần thành hình. Tính đến tháng 1/2025, dự án đã hoàn thành hơn 60% tổng khối lượng công việc. Các hạng mục chính như hầm chui và cầu vượt đang được triển khai đồng bộ.

Trong đó, cầu Bà Dạt và cầu Giồng Ông Tố 2 là hai hạng mục được hoàn thiện đầu tiên để giải tỏa áp lực giao thông tại khu vực. phần mặt cầu Bà Dạt nằm trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành thảm nhựa vào đầu tháng 2/2025.

Cách đó khoảng vài trăm mét, gói thầu xây dựng cầu Giồng Ông Tố 2 nay đã hoàn thành hơn 98% khối lượng, đang chờ thi công kẻ vạch đường. Cạnh đó, hầm chui nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống hiện đã hoàn thành một số đốt hầm hở và đang tiếp tục thi công các đốt hầm còn lại.

Sân khấu TP. HCM sẵn sàng cho một năm sôi động

Báo SGGP cho hay, sân khấu TP. HCM bước vào mùa diễn năm 2025 với một tâm thế đầy háo hức và kỳ vọng, khi đây là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước, TP. HCM cũng như nhu cầu thưởng thức các vở diễn chất lượng của công chúng được dự báo tăng cao.

Vở cải lương “Người ven đô” tái hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc
Vở cải lương “Người ven đô” tái hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc

Bên cạnh đó, sân khấu đã tìm được hướng đi cho mình khi tập trung khai thác các đề tài mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc. Có thể kể đến như vở cải lương Người ven đô, do Sân khấu Cải lương mới Đại Việt tái dựng; vở cải lương San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)…

Nhận định về xu hướng khai thác các đề tài mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, soạn giả Hoàng Song Việt (sân khấu Cải lương mới Đại Việt) cho rằng, đây là hướng đi đầy hiệu quả, vừa thu hút khán giả vốn đã quá nhàm chán với các vở dạng tuồng tích cổ Trung Quốc, vừa có thể tìm thêm khán giả mới nhờ phối hợp với các đơn vị, quận huyện có nhu cầu tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ…

Cùng quan điểm, Giám đốc Nhà hát Idecaf, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, cho biết: “Tới đây, nhà hát đang chuẩn bị dàn dựng vở nhạc kịch Những cô gái Sài Gòn, nhằm ngợi ca người phụ nữ Sài Gòn – TP. HCM từ 1975 đến nay. Tiếp đó là các dự án kịch lịch sử dành cho khán giả nhiều lứa tuổi”.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục