Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 29/5/2024

10:43 29/05/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 29/5/2024

Từ 2/6, tuổi trẻ TP. HCM ra quân các chiến dịch tình nguyện hè

Báo SGGP đưa tin, Thành đoàn vừa tổ chức hội nghị thông tin báo chí các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè TP. HCM năm 2024, chủ đề “Năm Thanh niên tình nguyện”.

Ảnh minh họa: Hội LHTN Việt Nam TP. HCM
Ảnh minh họa: Hội LHTN Việt Nam TP. HCM

Theo đó, chương trình tình nguyện hè 2024 tại TP. HCM sẽ diễn ra từ ngày 2/6 đến ngày 4/8 với 4 chiến dịch: Mùa hè xanh, Hành quân xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hoa phượng đỏ và 2 chương trình: Tiếp sức mùa thi, Gia sư áo xanh.

Tuổi trẻ Thành phố sẽ thực hiện 4 công trình trọng điểm trong dịp hè gồm: Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi, Đảo Thanh niên tại xã đảo Thạnh An, Cải tạo cảnh quan tuyến đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức và Số hóa bia mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. HCM (giai đoạn 2)....

Một điểm nhấn của chương trình là đội hình sinh viên quốc tế đang học tập tại TP. HCM cùng với thanh niên quốc tế đến thành phố và tình nguyện viên công tác quốc tế thanh niên Thành đoàn sẽ tổ chức chuyên sâu các lớp tiếng Anh miễn phí, sân chơi tiếng Anh cho thiếu nhi tại các quận, huyện... Ngoài ra, thanh niên quốc tế Malaysia sẽ thực hiện hoạt động tình nguyện tại thành phố từ ngày 7/7 đến 3/8.

TP. HCM đưa dữ liệu sức khỏe vào ứng dụng VneID

Trao đổi với báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, năm 2023, Bộ Y tế ban hành quyết định về kế hoạch triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT). Căn cứ vào quyết định này, Sở Y tế phối hợp Sở TT-TT đã kịp thời bổ sung và xây dựng phương án kỹ thuật để triển khai HSSKĐT, nhằm đảm bảo dữ liệu sức khỏe của người dân 'đúng - đủ - sạch - sống' và được liên thông trong toàn bộ các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến T.Ư theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Người dân TP.HCM được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, tích hợp lên ứng dụng VNeID
Người dân TP.HCM được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, tích hợp lên ứng dụng VNeID

Đến nay, Sở Y tế đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Sở TT-TT) hoàn chỉnh thủ tục để chuẩn bị cho các giai đoạn triển khai.

Mới nhất, ngày 23/5 vừa qua, Sở Y tế, Sở TT-TT, Trung tâm chuyển đổi số và Công an TP đã họp thống nhất các nội dung triển khai sổ SKĐT và kết quả đầu ra là thông tin sức khỏe người dân sẽ được hiển thị trên sổ SKĐT của ứng dụng VNeID theo Quyết định số 1332 ngày 21/5 của Bộ Y tế về ban hành sổ SKĐT phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Cụ thể, TP. HCM đã xác định các nguồn dữ liệu để tạo lập dữ liệu SKĐT ban đầu cho người dân. Thứ nhất là dữ liệu của các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Thứ hai là dữ liệu tiêm chủng Covid-19, tiêm chủng mở rộng. Thứ ba là dữ liệu dân cư.

TP. HCM đã có các văn bản gửi các bộ ngành liên quan để cung cấp và liên thông dữ liệu với kho dữ liệu sức khỏe đang xây dựng.

Thúc tiến độ triển khai thu phí vỉa hè tại TP. HCM

Báo Tiền Phong cho biết, Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản thúc tiến độ triển khai danh mục đề xuất sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đối với các địa phương như TP. Thủ Đức, quận 5, quận 8, quận Bình Tân, Gò Vấp…

Hiện nay UBND quận 1 đang thí điểm thu phí sử dụng tạm thời hè phố trên 11 tuyến đường trung tâm TPHCM. Ảnh: H.H
Hiện nay UBND quận 1 đang thí điểm thu phí sử dụng tạm thời hè phố trên 11 tuyến đường trung tâm TPHCM. Ảnh: H.H

Sở đã hai lần có công văn đề nghị các đơn vị có ý kiến cho danh mục đề xuất sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông (trên cơ sở đề xuất của các Trung tâm quản lý đường bộ sau khi phối hợp với một số UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức).

Tuy nhiên, đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa có ý kiến góp ý, đó là: quận 3, quận 7, quận 10, quận 12, quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và TP.Thủ Đức.

Do đó, Sở GTVT đề nghị các địa phương này sớm có ý kiến để sở xem xét, tổng hợp. Trường hợp các đơn vị không phối hợp thì phải chịu trách nhiệm giải trình trước UBND thành phố.

Trẻ em cả nước được bổ sung vitamin A từ ngày 1/6

Bộ Y tế cho biết đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A kết hợp tẩy giun cho trẻ em năm 2024. Tin từ báo Tuổi Trẻ.

Trẻ được uống vitamin A liều cao tại Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Trẻ được uống vitamin A liều cao tại Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em đợt 1 diễn ra từ ngày 1, 2/6; đợt 2 từ ngày 1, 2/12. Đối tượng bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi tại 31 tỉnh, thành phố có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao.

Đồng thời, kết hợp tẩy giun cho trẻ từ 24 - 59 tháng tuổi tại 22 tỉnh, thành phố khó khăn. Tại các tỉnh thành khác, vitamin A bổ sung cho trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi.

Theo Bộ Y tế, vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Ngoài bổ sung vitamin A liều cao, người dân cần sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày cho trẻ; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Phạt cửa hàng bán vàng trang sức không rõ nguồn gốc ở TP. HCM

Ngày 28-5, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP cho biết, bên cạnh triển khai công tác năm 2024, đơn vị chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Tháng 5, Cục QLTT TP.HCM nộp ngân sách hơn 10,8 tỉ đồng. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM
Tháng 5, Cục QLTT TP.HCM nộp ngân sách hơn 10,8 tỉ đồng. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM

Trong tháng 5, Cục QLTT TP kiểm tra 464 vụ, phát hiện 418 vụ vi phạm; đã xử lý 460 vụ (gồm một số vụ của tháng 4), thu nộp ngân sách hơn 10,8 tỉ đồng.

Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy là 4,1 tỉ đồng. Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn phần tiền phạt chưa thi hành là 31 quyết định với tổng số tiền là hơn 490 triệu đồng.

Một số vụ vi phạm điển hình là ngày 15-4, Đội quản lý thị trường số 9 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận 9 kiểm tra doanh nghiệp tư nhân trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP. Thủ Đức. Cơ quan chức năng phát hiện tại đây đang kinh doanh bốn đơn vị sản phẩm trang sức vàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa hơn 54 triệu đồng. QLTTT TP.HCM xử phạt số tiền là 100 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Cùng ngày, Đội QLTT số 18 kiểm tra hộ kinh doanh gạo ở thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn phát hiện tại đây đang kinh doanh hai tấn gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hộ kinh doanh bị xử phạt với số tiền là 25 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

120 suất học bổng trao đổi sinh viên tại Đại học Kinh tế TP. HCM

Báo Phụ Nữ TP cho hay, nhiều đại học (ĐH) lớn ở châu Á và châu Âu sẽ dành 120 suất học bổng và miễn học phí hỗ trợ sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) trong chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Sinh viên UEH được lựa chọn học tập tại các nước đối tác từ tháng 7/2024 đến tháng 8/2025 theo 2 nhóm chương trình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chương trình trao đổi ngắn hạn dưới dạng thực hiện dự án hoặc một số môn học (dưới 30 ngày) hoặc chương trình trao đổi dài hạn tương đương 1 học kỳ học tập.

Trong đó, một số ĐH lớn sẽ tiếp nhận sinh viên UEH như: ĐH Khoa học ứng dụng Osnabruck (Đức), Học viện Công nghệ Blekinge (Thụy Điển), ĐH Le CNAME (Pháp), ĐH Hasselt (Bỉ), ĐH Seoul (Hàn Quốc), ĐH nữ sinh Fukuoka (Nhật Bản), ĐH Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan)...

Tham gia chương trình, sinh viên được tiếp cận và trải nghiệm học tập tại các nền giáo dục tiên tiến cùng với giảng viên, sinh viên bản xứ; mở rộng kết nối nhiều nền văn hóa khác nhau. Sau khi hoàn thành và đáp ứng các yêu cầu của học phần và học kỳ quốc tế, sinh viên được xét chuyển đổi điểm sang tín chỉ tương đương tại ngành, chuyên ngành UEH đang theo học.

TP.HCM là một trong 8 điểm đến thu hút du khách lưu lại lâu nhất châu Á

Theo công bố của nền tảng du lịch Agoda (mạng lưới toàn cầu có 4,2 triệu khách sạn và cơ sở nghỉ dưỡng trên toàn thế giới) mới đây cho thấy, TP. HCM là một trong 8 thị trường trong khu vực châu Á thu hút du khách lưu lại lâu nhất. Tin trên báo Hải Quan.

Khách quốc tế tham quan trải nghiệm tại TP.HCM. Ảnh: Bảo Thu
Khách quốc tế tham quan trải nghiệm tại TP.HCM. Ảnh: Bảo Thu

Cụ thể, theo danh sách công bố các điểm đến châu Á nổi bật về loại hình du lịch chậm (slow travel), với những chuyến đi dài ngày và thư thả gồm 8 thị trường trong khu vực châu Á. Nổi bật trong danh sách này chính là Khao Lak, Thái Lan. Tiếp theo, có thể kể đến những điểm đến thu hút du khách lưu lại lâu là Seoul (Hàn Quốc), đảo Perhentian (Malaysia), Tokyo (Nhật Bản), đảo Siargao (Philippines), Pekanbaru (Indonesia), TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Ahmedabad (Ấn Độ).

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong 4 tháng năm 2024, khách quốc tế đến TP ước đạt hơn 1,8 triệu lượt, tăng 32,5% so cùng kỳ năm 2023, đạt 30% kế hoạch năm 2024. Khách du lịch nội địa đến TP 4 tháng ước đạt gần 11 triệu lượt, tăng 3,1% so cùng kỳ năm 2023, đạt 28,6% kế hoạch năm 2024. Tổng thu du lịch 4 tháng qua ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng 17,4% và đạt 31,6% kế hoạch năm 2024.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục