Tăng lương cơ sở 30% từ 1-7, những chế độ nào tăng theo?

10:31 24/06/2024

Từ 1-7, dự kiến tăng lương cơ sở 30%, nhiều chế độ cũng được tăng lên như trợ cấp thất nghiệp, thai sản, mai táng…

Cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa là đối tượng dự kiến được tăng lương cơ sở 30% từ ngày 1-7 tới - Ảnh: HÀ QUÂN  
Cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa là đối tượng dự kiến được tăng lương cơ sở 30% từ ngày 1-7 tới - Ảnh: HÀ QUÂN  

Ngày 20-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất từ ngày 1-7 sẽ tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (30%) cho tất cả cán bộ, công chức. Nhiều chế độ gắn với lương cơ sở dự kiến tăng theo.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lương hưu hằng tháng thấp nhất của người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ điều kiện theo quy định bằng lương cơ sở, tăng lên thành 2,34 triệu đồng/tháng.

Theo Luật Việc làm 2013, trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước.

Nếu tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, trợ cấp thất nghiệp tối đa tăng thành 11,7 triệu đồng.

Góp ý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị ban soạn thảo tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi mất việc. Điều này giúp người lao động đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con, người nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi nhận trợ cấp một lần trong tháng sinh con hoặc nhận con nuôi.

Mức hưởng bằng hai tháng lương cơ sở, tức tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, cha được trợ cấp một lần bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi cháu ra đời.

Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức hưởng chế độ thai sản bằng 100% tiền lương của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Điều này đảm bảo thu nhập cũng như tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhận được nhiều quyền lợi hơn khi tăng lương từ ngày 1-7 tới - Ảnh: HÀ QUÂN  
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhận được nhiều quyền lợi hơn khi tăng lương từ ngày 1-7 tới - Ảnh: HÀ QUÂN  

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể, người suy giảm 5% khả năng lao động hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% sẽ được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Như vậy từ 1-7, số tiền trợ cấp một lần nâng lên 11,7 triệu đồng.

Ngoài ra, người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thân nhân sẽ hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Từ 1-7, trợ cấp một lần sẽ là 84,24 triệu đồng.

Tiếp theo, trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần lương cơ sở, tức tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng. Trợ cấp tuất hàng tháng với thân nhân mỗi lao động qua đời bằng 50% lương cơ sở, tức nâng lên 1,17 triệu đồng thay vì 900.000 đồng như hiện nay.

Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng trợ cấp bằng 70% lương cơ sở, tức hơn 1,63 triệu đồng.

Dự kiến từ 1-7, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng thêm 15% trên mức hiện hưởng. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng. Mức chuẩn trợ cấp xã hội nâng lên 500.000 đồng/tháng, tức 38,9%.

HÀ QUÂN/Báo Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục